Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

GIỚI THIỆU VỀ THƯ VIỆN TỈNH AN GIANG


1. Lịch sử hình thành và phát triển Thư viện tỉnh An Giang.
Thư viện tỉnh An Giang được thành lập vào năm 1978, qua thời gian dài sử dụng, trụ sở xuống cấp, Thư viện lại ngày càng phát triển, diện tích không đủ sử dụng. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Thư viện tỉnh An Giang xây mới trụ sở tại số 16 Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, tọa lạc tại khu vực trung tâm hành chính của tỉnh. Có vị trí đẹp và thuận lợi cho bạn đọc đến sử dụng, trụ sở khang trang với diện tích sử dụng là 4.084m2.
Vốn tài liệu Thư viện có khoảng 240.000 bản sách, 1.000 đĩa, 300 tên báo, tạp chí, và có gần 70.000 CSDL. Kinh phí hoạt động hiện nay là 1.700.000.000 đồng /năm. Bao gồm ba phòng: Phòng Phục vụ Bạn đọc, phòng Nghiệp vụ, phòng Hành Chính tổng hợp. Riêng phòng Phục vụ Bạn đọc tổ chức phục vụ qua các phòng: Phòng Đọc tổng hợp, phòng Mượn, phòng Đọc Thiếu nhi, phòng Tra cứu – Địa chí – Ngoại văn, phòng Đọc điện tử, phòng Luân chuyển. Hàng năm có khoảng 1.300 bạn đọc đăng ký thẻ tại Thư viện và khoảng 250.000 - 267.000 lượt lượt bạn đọc đến Thư viện. Tổng số lượng sách, báo lưu hành lên đến 600.000 – 700.000 lượt/ năm. Số lượng bản sách mới được bổ sung từ 10.000 – 12.000 bản sách/ năm.
Nhân sự hiện nay gồm 33 người, trong đó có 01 thạc sỹ, 22 đại học, 02 cao đẳng, 02 trung cấp, 06 lao động phổ thông.
Cơ sở vật chất - trang thiết bị máy móc: Liên tục được trang bị theo hướng đồng bộ, hiện đại gồm hệ thống các phòng phục vụ và làm việc của cán bộ: phòng đọc tổng hợp gồm 140 chỗ ngồi, phòng thiếu nhi 80 chỗ ngồi, … Hệ thống thiết bị Thư viện gồm giá sách, bàn ghế, máy tính, điều hoà...Thư viện đã từng bước hiện đại hoá nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.    
2 Vị trí chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thư viện tỉnh An Giang.
2.1 Vị trí chức năng.
Thư viện tỉnh An Giang do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang thành lập, là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch An Giang. Có chức năng thu thập, bảo quản, tổ chức khai thác và sử dụng chung các tài liệu xuất bản tại địa phương và nói về địa phương. Các tài liệu trong nước và ngoài nước, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển địa phương về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thư viện tỉnh An Giang có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh An Giang và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
2.2 Nhiệm vụ và quyền hạn.
- Xây dựng quy hoạch phát triển, kế hoạch hoạt động dài hạn và ngắn hạn của Thư viện, trình Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch An Giang, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Tổ chức phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc được sử dụng vốn tài liệu Thư viện, thông qua các hình thức đọc tại chỗ, mượn về nhà hoặc phục vụ ngoài Thư viện phù hợp với nội quy Thư viện.
- Xây dựng và phát triển vốn tài liệu phù hợp với đặc điểm tự nhiên - kinh tế - văn hóa của địa phương và đối tượng phục vụ của Thư viện.
- Tổ chức và thực hiện công tác tuyên truyền giới thiệu rộng rãi vốn tài liệu Thư viện đến mọi người. Đặc biệt là tài liệu phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân địa phương.
- Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm Thông tin – Thư mục, thông tin có chọn lọc phù hợp với chức năng nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của Thư viện.
- Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Thư viện ở địa phương, xây dựng và phát triển mạng thông tin Thư viện của hệ thống Thư viện công cộng.
- Tổ chức hoạt động, dịch vụ có thu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn tổ chức Thư viện, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người làm công tác Thư viện. Tổ chức luân chuyển sách, báo, chủ trì phối hợp về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với các Thư viện khác của địa phương.
- Thực hiện báo cáo định kỳ tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động của Thư viện với Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch An Giang, Vụ Thư viện, TVQGVN.
- Quản lý tổ chức, cán bộ, tài sản theo phân cấp và quy định của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch giao.
3. Người dùng tin.
Đối tượng phục vụ của Thư viện tỉnh An Giang người đọc trong nước và nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại địa phương, đặc biệt là cán bộ công chức của các cơ quan Đảng và Chính quyền. Cán bộ của tổ chức chuyên môn, người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, chỉ đạo sản xuất, doanh nhân và nhà sản xuất. Nhu cầu người đọc rất đa dạng, do thành phần, trình độ chuyên môn cao, thấp khác nhau nên nhu cầu tin cũng khác nhau.
4. Công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Cùng với hệ thống Thư viện công cộng trong cả nước, Thư viện tỉnh An Giang ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn nghiệp vụ từ những năm 1993, xây dựng CSDL trên phần mềm CDS/ISIS. Phần mềm này có hạn chế là chỉ nhập dữ liệu thư mục, tra cứu thông tin, không quản lý được các loại nguồn lực thông tin khác.
Thư viện tỉnh An Giang cần kiểm soát và quản lý nguồn lực thông tin hiện có và sẽ có, để phục vụ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Vì thế, tháng 6/2006 Thư viện tỉnh An Giang sử dụng phần mềm quản lý Thư viện Ilib 3.6 với biểu ghi MARC21.
Các chu trình xử lý tài liệu do phòng Nghiệp vụ Thư viện tỉnh An Giang đảm trách thực hiện theo đúng chuẩn nghiệp vụ hiện hành: ISBD, MARC21, DDC. Hiện nay, Thư viện tỉnh An Giang chưa triển khai thực hiện biên mục theo AACR2 vì còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Dự kiến sẽ thực hiện vào đầu năm 2012. Thư viện tỉnh An Giang tổ chức hình thức phục vụ bạn đọc chủ yếu theo dạng kho mở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét